Kinh nghiệm phát triển kinh tế biển của Nauy

23.05.2017 ACVN Office
Với dân số chỉ hơn 5 triệu người, Na Uy là một cường quốc về kinh tế biển, có sức cạnh tranh toàn cầu trên cơ sở sáng tạo và công nghệ tiên tiến, khi đứng thứ sáu thế giới về dầu mỏ, đứng thứ hai thế giới về khí tự nhiên, đội tàu vận tải biển và xuất khẩu hải sản.

Ảnh minh họa

Chiến lược, chính sách, biện pháp phát triển các ngành kinh tế biển của Nauy

Nằm ở phía Tây của bán đảo Scandinavia, Na Uy là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất toàn cầu, với GDP tính trên đầu người khoảng 100 nghìn USD/năm. Na Uy còn sở hữu nhiều chỉ số đứng hàng đầu thế giới như: chỉ số phát triển con người, chỉ số an toàn quốc gia,...

Để có được vị trí đáng nể như trên, Chính phủ Na Uy rất coi trọng việc xây dựng chiến lược, chính sách, biện pháp để phát triển các ngành kinh tế biển. Các hoạt động khoa học công nghệ biển từ nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng được đặc biệt chú ý. Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hiệp hội ngành nghề được phát huy. Tất cả nhằm duy trì và tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu cho các doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường quốc tế cho Na Uy.

Na Uy cũng như nhiều cường quốc dầu khí khác đang đứng trước các thách thức không nhỏ do giá dầu thô giảm sâu, như dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dầu khí giảm, nhiều dự án dầu khí bị dãn, hoãn, nhiều công ty dầu khí phải sa thải lao động, cắt giảm chi phí giá thành… Do đó, yêu cầu cần thiết phải chuyển đổi nền kinh tế. Bên cạnh các ngành kinh tế biển truyền thống như vận tải biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, du lịch biển, công nghiệp quốc phòng biển, Na Uy đang thúc đẩy phát triển một số ngành kinh tế mới như năng lượng tái tạo từ gió, sóng biển, thủy triều; nuôi trồng hải sản xa bờ; khai thác khoáng sản đáy biển; sinh học và công nghệ sinh học biển… Hiện nước này đang xây dựng chiến lược biển cho tương lai, dự kiến sẽ công bố vào đầu năm 2017.

Bên cạnh các ngành công nghiệp biển (ocean industries) là khai thác và nuôi trồng thủy sản, ngành dầu khí, vốn là những ngành mũi nhọn quốc gia, năm ngoái Na Uy đã thông qua chiến lược phát triển ngành hàng hải theo hướng thân thiện với môi trường. Na Uy chú trọng xây dựng nghề cá và nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, với sản lượng nuôi trồng thủy sản lên tới 1,2 triệu tấn một năm. Ngành thủy sản liên tục được cập nhật công nghệ mới.

Ở Na Uy, 100% cá hồi và cá hồi vân nuôi được tiêm phòng vắc - xin thay vì sử dụng kháng sinh. Bởi nếu sử dụng nhiều kháng sinh, sẽ tạo ra các dòng vi khuẩn kháng thuốc, ảnh hưởng tiêu cực đến con người và môi trường, làm ngành nuôi trồng thuỷ sản phát triển không bền vững. Khi được tiêm vắc - xin, cá sẽ khoẻ hơn, tác động tích cực đến môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Na Uy tập trung vào phát triển hàng hải xa bờ, do vậy phải đối mặt với chi phí sản xuất cao nhất thế giới. Nhưng điều mà Na Uy làm được là tạo ra môi trường cạnh tranh tốt nhất cho các nhà đầu tư và thực tế chứng tỏ bằng việc đất nước ở bán cầu bắc đã thu hút được những tập đoàn hàng hải xa bờ hàng đầu thế giới như: Subsea 7, SIEMENS, FMC Technologies, Rolls-Royce... Na Uy đã nỗ lực tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến để có thể duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh có nhiều trung tâm mới đang nổi lên trong kinh tế biển.

Hợp tác phát triển kinh tế biển giữa Việt Nam và Nauy

Đến nay, Việt Nam và Na Uy đã thiết lập quan hệ ngoại giao được 45 năm. Tại đất nước này, đang có sự hiện diện của cộng đồng trên hai vạn người Việt, được xem là cộng đồng nhập cư ngoài châu Âu thành đạt nhất ở đây. Phát triển kinh tế biển là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng, lợi thế biển đa dạng và phong phú với đường bờ biển dài trên 3.260km, song hiệu quả khai thác từ biển chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng, khi kinh tế biển chưa đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

Theo nhận định của Giáo sư Reve (Trưởng Khoa Chiến lược và Cạnh tranh công nghiệp - Giám đốc Trung tâm cạnh tranh Hàng hải, Đại học Kinh doanh Na Uy), Việt Nam và Na Uy đều có đường bờ biển dài và lịch sử phát triển kinh tế dựa trên biển, chỉ khác là Việt Nam đông dân hơn và những nền kinh tế xung quanh có sức cạnh tranh lớn. Hướng đi của Na Uy là hướng ra biển, khai thác từ lòng đại dương ngay từ khởi đầu. Điều này được chứng tỏ qua việc 80% sản phẩm xuất khẩu của Na Uy là từ biển. Còn Việt Nam, tuy có lợi thế về biển, nhưng chưa khai thác hiệu quả. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải chuyển đổi để tăng tính cạnh tranh. Trong bối cảnh kinh tế biển đang trở thành một trong những xu hướng nổi trội của kinh tế thế giới, việc nâng cao năng lực cạnh tranh đi đôi với phát triển bền vững các ngành kinh tế biển là yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển sắp tới.

Cùng quan điểm với Giáo sư Reve, PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, mặc dù Việt Nam có tiềm năng biển lớn nhưng vẫn nghèo là do khoảng cách giữa tiềm năng và sự chuyển hóa năng lực. Na Uy từ đầu đã tiến ra đại dương trong khi Việt Nam chỉ khai thác ven bờ. Từ đó cho thấy chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận.

Hiện nay Việt Nam có chiến lược kinh tế biển, nhưng nhiều nước khác cũng hướng ra biển, dẫn đến việc tranh chấp, xung đột trên biển. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển chúng ta còn những yếu kém như: Khan hiếm tài chính dẫn đến khó khăn trong việc đưa ra tọa độ ưu tiên trong kinh tế biển, khai thác theo lối cũ, lực lượng làm kinh tế biển còn yếu, năng lực khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển chưa đáp ứng yêu cầu. Điểm mấu chốt để phát triển kinh tế biển Việt Nam, đầu tiên là phải điều tra, nghiên cứu một cách bài bản để đánh giá đúng tài nguyên, năng lực về biển của Việt Nam để từ đó xác định hướng đi thích hợp.

Giữa hai nước hiện đang có nhiều dự án hợp tác về đào tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ biển, kinh tế biển. Đặc biệt, với triển vọng hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) mà Na Uy là thành viên sớm được ký kết, sẽ mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, nhất là trong các ngành công nghiệp biển.

Điều này cũng phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X). Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát triển toàn diện các ngành, nghề biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường...

Trang điện tử của Tổng cục thủy sản

 

 

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn