Lợi ích từ phát triển hạ tầng xanh trong quy hoạch đô thị

05.10.2023 ACVN Office
Cơ sở hạ tầng xanh (Green Infrastructure) đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch đô thị bằng cách tăng cường tính bền vững của môi trường, cải thiện phúc lợi cộng đồng và tạo ra những thành phố đáng sống hơn thông qua việc tích hợp các yếu tố tự nhiên, như công viên và không gian xanh, vào cảnh quan đô thị. Điều này giúp giảm thiểu những tác động bất lợi trong quá trình đô thị hóa.

Hạ tầng xanh mang lại lợi ích gì?

Lợi ích về môi trườngTheo một nghiên cứu năm 2018, quy hoạch đô thị xanh là sự kết hợp sáng tạo giữa các cấu trúc tự nhiên và nhân tạo (xanh + xám + xanh lam) nhằm đạt được các mục tiêu phục hồi cụ thể (quản lý lũ lụt/hạn hán, y tế công cộng, v.v.) với sự ủng hộ và quan tâm rộng rãi của công chúng đối với nguyên tắc công nghệ phù hợp. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh ở các khu đô thị mang lại lợi ích môi trường đáng kể, nâng cao giá trị quy hoạch đô thị bền vững và linh hoạt. Đầu tiên, các dự án cơ sở hạ tầng xanh như mặt đường thấm nước và mái nhà xanh có thể quản lý nước mưa một cách hiệu quả bằng cách tích tụ và phân tán nước mưa. Điều này làm giảm nguy cơ lũ lụt, ngăn ngừa ô nhiễm nước và giúp duy trì hệ sinh thái thủy sinh trong lành hơn.

Thứ hai, các sáng kiến ​​xanh mang lại nhiều không gian xanh hơn cho các thành phố, thúc đẩy đa dạng sinh học đô thị bằng cách tạo ra môi trường sống chất lượng hơn. Thứ ba, cơ sở hạ tầng xanh góp phần ngăn chặn, thích ứng biến đổi khí hậu bằng cách giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm mức tiêu thụ năng lượng.

Lợi ích xã hội và sức khỏe: Cơ sở hạ tầng xanh mang lại nhiều lợi ích xã hội và sức khỏe cho cư dân đô thị. Thứ nhất, nó có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần bằng cách cung cấp cho cư dân đô thị khả năng tiếp cận không gian xanh, công viên và môi trường tự nhiên. Những khu vực xanh dễ tiếp cận này có thể giúp giảm bớt cảm giác căng thẳng, mệt mỏi. Thứ hai, cơ sở hạ tầng xanh thúc đẩy sức khỏe thể chất bằng cách tạo cơ hội cho các hoạt động như đi bộ, chạy bộ và các hoạt động giải trí trong không gian đô thị. Những hoạt động này góp phần làm giảm tỷ lệ béo phì và các vấn đề sức khỏe liên quan. Thứ ba, cơ sở hạ tầng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các khu vực cộng đồng nơi cư dân có thể tương tác, giao lưu và phát triển mối liên kết cộng đồng bền chặt hơn. Những không gian chung này thường là địa điểm tổ chức các cuộc tụ họp, sự kiện và hoạt động của khu dân cư, thúc đẩy cảm giác đoàn kết giữa cư dân đô thị.

Lợi ích về kinh tếĐầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Đầu tiên, việc bố trí các yếu tố xanh như cây xanh và mái nhà xanh một cách chiến lược sẽ làm giảm mức tiêu thụ năng lượng bằng cách cung cấp bóng mát và cách nhiệt cho các tòa nhà. Điều này có nghĩa là tiết kiệm chi phí trên hóa đơn tiện ích. Thứ hai, cơ sở hạ tầng xanh mang lại sức khỏe cộng đồng tốt hơn, đồng nghĩa với việc giảm chi phí chăm sóc sức khỏe. Không gian xanh giúp thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội...

Những thách thức trong phát triển hạ tầng xanh

Mặc dù hiện nay ngày càng nhiều các đô thị ứng dụng hạ tầng xanh trong quy hoạch và thiết kế đô thị, tuy nhiên việc phổ biến hạ tầng xanh vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Cụ thể, gồm:

Thứ nhất, thách thức về thiết kế và kỹ thuật: Các thách thức này liên quan đến các tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng và duy trì hoạt động của hạ tầng xanh. Sự hạn chế trong các dữ liệu tính toán chi phí - lợi ích của các công trình hạ tầng xanh cũng như các hiệu quả từ các dự án thực tiễn khiến cho việc xây dựng tiêu chuẩn thiết kế, kỹ thuật bị trì tệ và khiến cho các chính quyền địa phương cũng như chủ đầu tư e dè khi tham gia phát triển hạ tầng xanh.

Thứ hai, thách thức về pháp lý: Rất ít các đô thị xây dựng một lộ trình cụ thể để quy hoạch và xây dựng hạ tầng xanh đảm bảo sự phân bố đồng đề các lợi ích của hạ tầng xanh trong đô thị. Hơn thế nữa, tính đa quy mô của hạ tầng xanh đòi hỏi sự hợp tác liên ngành giữa các thành phố, các hạt, các vùng… khiến cho việc xây dựng chính sách càng phức tạp. Ở nhiều nước, quyền sở hữu đất đai là một trong nhiều trở ngại về mặt pháp lý đối với mở rộng và phát triển hệ thống hạ tầng xanh.

Thứ ba, thách thức về các yếu tố kinh tế - xã hội: Phát triển hạ tầng xanh vẫn được coi là một giải pháp xa xỉ cho các đô thị so với các giải pháp hạ tầng xám thông thường. Ngoài ra, công bằng xã hội và công lý môi trường là vấn đề nan giải của quy hoạch hạ tầng xanh.

Thứ tư, thách thức về đầu tư: Mặc dù rất nhiều lợi ích của hạ tầng xanh nhưng lại khó có thể “cân đong đo đếm”. Ngay cả với những lợi ích có thể tính toán được, rất nhiều trong đó là lợi ích dài hạn, không đem đến kết quả ngay. Vậy ai sẽ đầu tư? Và ai sẽ chịu trách nhiệm những khoản phát sinh trong khoảng thời gian từ 5, 10 cho đến 20 năm?

Thứ năm, thách thức về công nghệ: Hạ tầng xanh vẫn là một giải pháp tương đối mới nên đòi hỏi các giải pháp kỹ thuật xám nhằm tối ưu hóa các lợi ích cho người dân đô thị. Sự hợp tác giữa các nhà quy hoạch, nhà đầu tư, chính trị gia và nhà khoa học là yếu tố cần thiết cho sự thành công của hạ tầng xanh.

Giải phát thúc đẩy phát triển hạ tầng xanh

Mặc dù việc quy hoạch và phát triển hạ tầng xanh phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, việc ứng dụng hạ tầng xanh tại Việt Nam là vô cùng cần thiết nhằm xây dựng các đô thị chống chịu thích ứng hướng đến phát triển bền vững. Đặc biệt, đối với các đô thị lớn như: Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ..., nơi hiện tượng ngập lụt dưới tác động của quá trình đô thị hóa, thiên tai lũ lụt, ngập úng và biến đổi khí hậu là vấn đề nan giải.

Để đảm bảo các nguyên tắc trong quy hoạch hạ tầng xanh và giải quyết các thách thức trong việc ứng dụng hạ tầng xanh, trước hết chúng ta cần xây dựng các cơ sở pháp lý về hạ tầng xanh để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng xanh. Thứ hai, quy hoạch, xây dựng, vận hành và duy trì hạ tầng xanh phải dựa trên sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt là của cộng đồng dân cư. Sự tham gia và tham vấn của cộng đồng là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng các chính sách hạ tầng xanh cụ thể không chỉ phù hợp với mong muốn của người dân mà còn đảm bảo phương hướng phát triển của đô thị và môi trường bền vững. Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác giữa Chính phủ, các viện trường, doanh nghiệp và cộng đồng để chuyển giao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong việc phát triển hạ tầng xanh.

(Theo thiennhienmoitruong.vn)

 

Video

Video


ACVN | Hiệp hội các đô thị Việt Nam
Tầng 6, Cung Trí thức thành phố, số 1 phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điện thoại: +84 (24) 37629571 | Fax: +84 (24) 37624884
Email: acvn.vp@gmail.com | www.acvn.vn